top of page

Phát thải carbon - Tầm quan trọng và bối cảnh tại Việt Nam

Phát thải khí nhà kính, đặc biệt là carbon dioxide (CO₂) thải ra từ các hoạt động của con người, đã trở thành một vấn đề lớn trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam. Lượng khí thải này góp phần gây ra biến đổi khí hậu, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự ổn định kinh tế và chất lượng cuộc sống nói chung. Tại Việt Nam, một quốc gia đang có tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, việc hiểu về phát thải carbon và tác động của chúng trở nên ngày một cần thiết đối với các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và nhiều thành phần, cá nhân trong xã hội. Thông qua bài viết này, mời Quý Anh/ Chị cùng tìm hiểu định nghĩa của phát thải carbon, bối cảnh pháp lý hiện tại ở Việt Nam và cách các bên liên quan đang phản ứng với những thay đổi từ làn sóng chuyển đổi xanh.


Phát thải carbon là gì?


Phát thải carbon là việc giải phóng các hợp chất carbon, chủ yếu là carbon dioxide (CO₂), vào khí quyển. CO₂ là một loại khí nhà kính (GHG) giữ nhiệt từ mặt trời, dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Việc phát thải này chủ yếu là kết quả của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như dầu, than và khí tự nhiên để tạo ra năng lượng, phục vụ hoạt động vận tải và các quy trình công nghiệp. Hệ thống năng lượng của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên than, đóng góp hơn 40% nguồn cung cấp điện, trong khi thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác chiếm hơn một phần ba cơ cấu năng lượng.


Trong lĩnh vực vận tải, phát thải bắt nguồn từ quá trình đốt cháy nhiên liệu bên trong phương tiện, đặc biệt là trong vận tải đường bộ và hàng không, vốn rất quan trọng đối với hoạt động logistics và vận chuyển hành khách của Việt Nam. Sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng có hàm lượng carbon cao làm tăng thêm tầm quan trọng của việc hiểu và quản lý phát thải, từ đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.


What are carbon emissions

Tầm quan trọng của việc hiểu về khí thải carbon


Nhận thức về khí thải carbon và tác động của chúng là điều cần thiết, đặc biệt là đối với những quốc gia như Việt Nam, vốn nằm trong top những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Lượng khí thải carbon cao góp phần gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng, các vấn đề sức khỏe và rủi ro về an ninh lương thực. Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với bão, lũ lụt, hạn hán và lở đất, gây nguy hiểm cho hơn 100 triệu dân, cũng như nhiều tài sản kinh tế tập trung dọc theo bờ biển dài và đông dân của mình. Giải quyết vấn đề khí thải carbon là vô cùng quan trọng để bảo vệ môi trường và nền kinh tế của Việt Nam, khi cả hai yếu tố này đều có đứng trước nhiều rủi ro do tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.


Nhận thức của các doanh nghiệp và cá nhân không chỉ là về việc giảm khí thải mà còn ở về việc chuẩn bị cho những thay đổi về quy định trong tương lai từ các cơ quan Nhà nước cũng như kỳ vọng của thị trường. Với việc Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tích cực tham gia vào các sáng kiến về khí hậu toàn cầu, việc hiểu biết về khí thải carbon đã trở thành mối quan tâm lớn hơn về môi trường.


The importance of understanding carbon emissions


Bối cảnh hiện tại của Việt Nam về phát thải carbon


Số liệu thống kê chính:


Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây, nhưng sự phát triển này đi kèm với cái giá về môi trường. Theo Friedlingstein và cộng sự (2023), Việt Nam được xếp hạng là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 17 toàn cầu, với lượng khí thải tăng từ khoảng 300,4 MtCO₂e vào năm 2020 lên 344 MtCO₂e vào năm 2022.


Các ngành chính thúc đẩy lượng khí thải này bao gồm sản xuất năng lượng, chế tạo và vận tải. Khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đến từ ngành điện - chủ yếu là than - trong khi 30% khác đến từ công nghiệp và khoảng 10% từ hoạt động giao thông vận tải.


Chính sách của Chính phủ:


Việt Nam đã và đang triển khai một loạt chính sách để giải quyết vấn đề phát thải. Bao gồm Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như các quy định gần đây theo Luật bảo vệ môi trường (2020), trong đó yêu cầu các tổ chức - doanh nghiệp lớn phải báo cáo và quản lý phát thải. Với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải ròng bằng O (Net ZERO) vào năm 2050, Chính phủ đang ngày càng có những quy định, chính sách làm tăng áp lực ngày càng lớn lên các ngành công nghiệp phát thải nhiều (gây ô nhiễm nhất) để dần nâng cao nhận thức và khuyến khích các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này áp dụng các biện pháp phát triển bền vững, trong đó bao gồm lĩnh vực vận tải.


Phản ứng của thị trường:


  1. Các tập đoàn lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Nhiều tập đoàn lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã tuân thủ các quy định của chính phủ bằng cách tích hợp mục tiêu giảm phát thải trong hoạt động sản xuất - kinh doanh vào chiến lược ESG với tầm nhìn dài hạn và ứng dụng các sáng kiến trong thực tiễn hoạt động. Có những tổ chức lớn đã chủ động chia sẻ thông tin về báo cáo phát thải, áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng như các sáng kiến giảm phát thải thông qua công nghệ, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn chuỗi cung ứng, và đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững để đáp ứng cả các yêu cầu theo quy định của Nhà nước lẫn kỳ vọng của nhà đầu tư, khách hàng và của cộng đồng.

  2. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Mặc dù ít bị quản lý về phát thải so với những doanh nghiệp đầu ngành hoặc có vốn Nhà nước, nhóm này cũng đang dần có những tìm hiểu về các khái niệm liên quan đến yếu tô bền vững và trách nhiệm xã hội với môi trường do xu hướng tiêu dùng đang dần có sự dịch chuyển sang hướng xanh hóa, yêu cầu của các đối tác lớn trong chuỗi cung ứng cũng như các đối tác quốc tế. Dẫu vậy hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ưu tiên sự sống còn về mặt kinh tế trong thời kỳ khó khăn và chưa thực sự có động thái quyết liệt trong việc giảm phát thải carbon, có thể là cho đến lúc có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cũng như những quy định bắt buộc từ Nhà nước.


Vietnam's current context on carbon emissions

Nội dung tiếp theo


Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hướng đến tương lai bền vững thì giao thông vận tải đóng vai trò như một trong những lĩnh vực then chốt và việc giảm phát thải carbon sẽ trở thành điều bắt buộc. Trong bài viết tiếp theo, Giao thông vận tải và phát thải carbon tại Việt Nam: Thực trạng và hành động ứng phó, chúng ta sẽ đi sâu vào cách phát thải từ lĩnh vực vận tải, đặc biệt là từ lĩnh vực vận tải đường bộ, tác động đến lượng khí thải carbon tổng thể của Việt Nam. Bài viết sẽ chia sẻ những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực này, xem xét phản ứng từ những tổ chức đóng vai trò chủ chốt và các bước thực tế mà các bên liên quan có thể thực hiện để giảm phát thải. Cùng Dibee khám phá cách ngành giao thông vận tải của Việt Nam đang thích ứng với các nhu cầu phát triển bền vững của thời đại mới và chuyển mình để dần đáp ứng với các mục tiêu về môi trường của quốc gia.



bottom of page