Phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh môi trường toàn cầu chịu nhiều áp lực từ các hoạt động của con người. Ô nhiễm môi trường đã trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái và sự phát triển kinh tế bền vững. Việc hiểu rõ các loại ô nhiễm, nguồn và nguyên nhân gây ra ô nhiễm từ đó áp dụng các giải pháp giảm thiểu là điều cần thiết để bảo vệ hành tinh cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Các loại ô nhiễm chính
Ô nhiễm không khí: Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch. Theo WHO (2023), ô nhiễm không khí gây khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 70.000 ca tại Việt Nam, làm giảm tuổi thọ trung bình 1,4 năm. Tình trạng ô nhiễm không khí được gây ra chủ yếu bởi các hoạt động công nghiệp, giao thông, và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ô nhiễm nguồn nước: Ô nhiễm nước xuất phát từ việc xả thải không kiểm soát từ các nhà máy, nông trại và khu dân cư, làm ô nhiễm nguồn nước ngọt và đại dương. Nguồn nước thải chứa kim loại nặng và hóa chất độc hại cho hệ sinh thái và con người. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 2023), có tới 60% nguồn nước trên các sông châu Á, châu Phi và Âu bị ô nhiễm.
Ô nhiễm đất: Chủ yếu đến từ rác thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Ô nhiễm đất không chỉ ảnh hưởng đến thực vật và động vật mà còn làm suy giảm khả năng canh tác và an toàn lương thực. Theo UNEP vào năm 2023 ô nhiễm đất là yếu tố góp phần làm gia tăng nạn đói và mất cân bằng sinh thái.
Ô nhiễm nhựa: Tình trạng rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay. Theo báo cáo của Greenpeace (2023), hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương mỗi năm, gây hại cho sinh vật biển và chuỗi thức ăn.
Ô nhiễm ánh sáng: Là loại ô nhiễm ít được chú ý nhưng có tác động lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Ánh sáng nhân tạo quá mức ảnh hưởng đến giấc ngủ, thói quen sinh hoạt của động vật hoang dã và giảm khả năng quan sát bầu trời.
Việc khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch (ví dụ như dầu mỏ, than đá, và khí đốt tự nhiên) có liên quan chặt chẽ đến các loại ô nhiễm không khí, nước, đất. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và dẫn đến biến đổi khí hậu.
>>> ĐỌC THÊM BÀI VIẾT: Phát thải carbon - Tầm quan trọng và bối cảnh tại Việt Nam
Mức độ đóng góp của các ngành nghề đối với ô nhiễm môi trường
Có nhiều ngành nghề gây ra ô nhiễm trong quá trình hoạt động, điển hình có thể kể đến:
Ngành năng lượng: Khói thải chứa nhiều thành phần bụi rắn và kim loại nặng sản sinh ra trong quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất nhiệt điện cũng như nước thải chứa dầu mỡ, hydrocacbon, và các hợp chất hóa học độc hại từ hoạt động khai thác - sản xuất dầu mỏ, khí đốt.
Ngành công nghiệp nặng - nhẹ: Những nhà máy và cơ sở sản xuất gây phát thải khí nhà kính cũng như làm ô nhiễm nguồn nước với nhiều loại hóa chất và kim loại nặng thải ra trong quá trình luyện kim, sản xuất thép, xi măng, hóa chất, phân bón, gạch, đồ gốm, bao bì, nhựa, và giấy, v.v.
Ngành giao thông vận tải: Theo số liệu từ Climate Trade cuối năm 2023, hoạt động vận tải chịu trách nhiệm cho khoảng một phần năm lượng khí thải nhà kính. Khoảng 40% trong số này đến từ việc vận chuyển hàng hóa, trong khi phần còn lại, 60%, đến từ nhu cầu di chuyển của hành khách, dẫn đầu là vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiêu là vận tải hàng không chỉ chiếm 11,6% mức phát thải trong khi vận tải đường bộ đóng góp đến ba phần tư, tương đương 74,5% tổng lượng phát thải của lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể, phần lớn lượng khí thải này đến từ các phương tiện chở khách — ô tô và xe buýt — chiếm 45,1% trong khi 29,4% còn lại đến từ xe tải chở hàng. theo số liệu từ bài viết Cars, planes, trains: where do CO₂ emissions from transport come from? của tác giả Hannah Ritchie, đăng tải trên Our World in Data.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào năm 2023, tại các đô thị lớn, khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm, cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện, nhất là phương tiện cá nhân.
Ngành nông nghiệp: Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), lượng khí thải toàn cầu gây ra bởi các hoạt động nông nghiệp là 9,3 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2eq) vào năm 2018, chủ yếu là khí thải mê-tan và nitơ oxit từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cũng gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và chất lượng đất ngay tại và ở các khu vực quanh vùng trồng.
Ngành chế biến - bán lẻ thực phẩm: Nước thải từ ngành công nghiệp thực phẩm chứa dầu mỡ, chất thải hữu cơ, và các hợp chất độc hại từ quá trình làm sạch và chế biến thực phẩm. Riêng với hoạt động kinh doanh thực phẩm, việc xả một lượng lớn rác thải hữu cơ và nhựa (ví dụ như túi nilon, màng bọc, vỉ nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩm chế biến) ra ngoài môi trường cũng gây ảnh hưởng môi trường không khí và ô nhiễm nguồn nước và đất nghiêm trọng. Trong quá trình phân hủy, vi nhựa làm giảm sút các loài sống dưới bề mặt, chẳng hạn như ve, ấu trùng và các sinh vật nhỏ bé khác giúp duy trì sự màu mỡ của đất. Trong khi đó, rác hữu cơ sinh ra mùi hôi thối khó chịu kèm theo một lượng lớn khí CO2 phát thải ra ngoài môi trường. Hơn nữa, rác thải hữu cơ này không được thu gom tồn đọng thường xuyên, lâu ngày sẽ ảnh hưởng không chỉ ô nhiễm không khí mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người sống xung quanh.
Ngành dệt may – kinh doanh thời trang: Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Theo Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc tại Châu Âu (UNECE), thời trang là ngành công nghiệp thứ hai trên thế gây ô nhiễm nguồn nước, chỉ sau dầu mỏ bởi quá trình sản xuất ra sản phẩm dệt may cần rất nhiều nước và hóa chất. Thêm vào đó, hiện nay các loại vải ngày càng sử dụng nhiều xơ sợi tổng hợp như polyester, dẫn đến việc sử dụng một lượng thuốc nhuộm và các chất phụ gia tổng hợp khác khiến nước thải xả sau quá trình nhuộm khó hoặc không phân giải vi sinh, gây ô nhiễm nước thải càng cao. Đó là còn chưa kể tới trào lưu thời trang nhanh (fast fashion) và tiêu dùng quá mức (overconsumption) cũng tác động không hề nhỏ trong việc tiêu tốn tài nguyên để sản xuất thêm sản phẩm may mặc mới chỉ để sử dụng trong một thời gian ngắn và không có quy trình tái chế phù hợp.
Ngành khai thác mỏ: Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau và có 1.100 doanh nghiệp khai khoáng. Việc khai thác khoáng sản khiến môi trường sinh thái bị hủy hoại, gây sạt lở đất, làm biến đổi dòng chảy sông, và thay đổi chất lượng nước sông. Đặc biệt khai thác khoáng sản đầu nguồn, thải các chất gây ô nhiễm theo dòng chảy mặt hoặc phát tán qua môi trường không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Ngoài ra, hoạt động vận chuyển khoáng sản cũng gây tác động xấu đến môi trường không khí do khói, bụi trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ.
Ngành xây dựng: Việc khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, các quy trình xây dựng và hoạt động hàng ngày, các tòa nhà ước tính thải ra khoảng 40% lượng khí thải toàn cầu. Ngành xây dựng thế giới đang sử dụng khoảng 3 tỉ tấn nguyên liệu thô mỗi năm, trong đó có cả cát, gỗ và quặng sắt, con số này chiếm tới 40% tổng nguyên liệu sử dụng toàn cầu. Tại các địa điểm xây dựng và phá dỡ tạo ra hàng núi phế thải, bao gồm cả các vật liệu thừa thãi, lãng phí. Ngoài ra, hoạt động xây dựng có thể thay đổi đáng kể bề mặt của một vùng đất do phần lớn là dọn sạch thảm thực vật và khai quật, vốn phổ biến trong nhiều dự án xây dựng.
Ngành công nghệ: Đây là lĩnh vực gây phát thải nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. Hiện nay, có khoảng 30 tỷ thiết bị kết nối internet trên thế giới. Nếu con số này tiếp tục tăng, ước tính ngành công nghiệp CNTT có thể sử dụng 20% tổng lượng điện được sản xuất vào năm 2025 và thải ra tới 5,5% lượng khí thải carbon của thế giới. Theo nghiên cứu The real climate and transformative impact of ICT: A critique of estimates, trends, and regulations xuất bản năm 2021 trên tạp chí Patterns (Anh), ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phát thải khí nhà kính nhiều hơn ước tính trước đây. Trong khi các ước tính cũ cho rằng ICT chiếm 1,8-2,8% tổng phát thải toàn cầu, các nhà nghiên cứu cho biết con số thực tế có thể lên đến 2,1-3,9%, vượt qua cả lĩnh vực vận tải hàng không (chiếm khoảng 2%). Sự điều chỉnh này đến từ việc các ước tính cũ chưa tính toán đầy đủ vòng đời sản phẩm, chuỗi cung ứng, và năng lượng sử dụng. Ngoài ra, các xu hướng công nghệ mới mới như Big Data, AI, IoT, blockchain, và tiền điện tử có thể làm tăng thêm lượng phát thải này.
Chỉ riêng với ô nhiễm không khí, theo số liệu thống kê của IQAir, Việt Nam xếp thứ 22 trong số những quốc gia có chất lượng không khí tệ nhất thế giới vào năm 2023 trong khi Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ lần lượt xếp ở vị trí thứ 1, 2 và 3. Ở nước ta, các ngành công nghiệp sản xuất và giao thông vận tải được đánh giá là hai trong những lĩnh vực gây ô nhiễm lớn nhất, với lượng khí thải từ các phương tiện giao thông đóng góp vào chất lượng không khí kém, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, và thành phố Hồ Chí Minh.
Dibee, với bộ công cụ giải pháp mới nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải - logistics hoặc vận hành đội xe nội bộ cho hoạt động chuyên chở nhân sự, chuyên chở hàng hóa đo lường hiệu quả mức phát thải của phương tiện, từ đó thực hiện báo cáo phát thải với số liệu đáng tin cậy, phù hợp với các tiêu chuẩn doanh nghiệp đang tuân thủ, và đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi kép xanh - số, hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Giải pháp đề xuất
Từ phía Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước:
Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có thể đưa ra nhiều giải pháp và chỉ đạo nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm, cùng với các đề xuất giảm thiểu và khắc phục khả thi, bao gồm:
Xây dựng các quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ môi trường và quản lý khí thải.
Chính phủ có thể nghiên cứu thực hiện chính sách khuyến khích thông qua giảm thuế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ công nghệ cũng như có phương hướng xử phạt đối với các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực gây ô nhiễm vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo để dần giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Nghiên cứu phát triển và ứng dụng những vật liệu mới thân thiện hơn với môi trường
Xây dựng các chính sách tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm môi trường lên chính sức khỏe, môi trường sống và tương lai của xã hội nhằm dần thay đổi thói quen tiêu dùng và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Từ phía doanh nghiệp:
Việc tìm hiểu và gia nhập các liên minh, tổ chức về môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các sáng kiến, học hỏi từ các thành viên và thúc đẩy các cơ hội hợp tác giúp giảm phát thải hoặc rộng hơn là giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc đầu tư vào các dự án giúp bù đắp carbon như trồng rừng, làm sạch bờ biển, tái tạo nguồn nước hay bảo tồn động vật hoang dã, tùy theo thế mạnh hoặc ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, không chỉ giúp giảm nhẹ tác động đến môi trường, và còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh và củng cố giá trị thương hiệu.
Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ví dụ như ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường.
Ứng dụng công nghệ xanh, giảm thiểu lượng khí thải qua việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Riêng với lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp có thể sử dụng các hệ thống quản lý số và theo dõi phát thải như Dibee để tối ưu vận hành và kiểm soát chặt mức phát thải của phương tiện.
Từ phía khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan khác:
Ủng hộ và ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức và cảnh giác với các sản phẩm hoặc sáng kiến mang tính greenwash thay vì mang lại giá trị bền vững thực sự.
Thúc đẩy các sáng kiến bền vững và ưu tiên đầu tư vào các dự án xanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Kết luận
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên cấp bách và cần có sự phối hợp từ tất cả các bên. Chính phủ, doanh nghiệp và từng cá nhân trong xã hội đều có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Để bảo vệ hành tinh, chúng ta cần hành động ngay hôm nay bằng việc áp dụng những giải pháp thiết thực.
Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất và lan tỏa nhận thức tới cộng đồng để tạo ra sự thay đổi tích cực và bền vững trong tương lai.